Tôi qua nhà bạn ăn cơm, bị chồng bạn nói là “vô ý vô tứ, thật chẳng ra làm sao”, chẳng lẽ do tôi sai thật?

by admin

Hỏi:

Tôi với J qua nhà Z chơi, con của J và con của Z cũng là bạn bè với nhau, nên J dẫn con đi cùng, tôi thì đi một mình.

Tôi là người đến cuối cùng, tôi có mang qua một giỏ trái cây nữa; lúc đó Z và chồng Z đang bận nấu ăn trong bếp, 2 đứa nhỏ thì chơi ngoài phòng khách; J phụ trách trông 2 cháu, tôi lại không biết chăm con nít, nên định đi nhà bếp hỗ trợ, nhưng Z nói không cần đâu, tôi ra phòng khách ngồi chờ là được rồi.

Một hồi sau, Z đi ra gọi chúng tôi vào ăn cơm, xong J và Z dẫn con mình đi rửa tay, còn tôi thì ngồi vào bàn trước. Chồng của Z nói: “Canh gà sắp được rồi, để tôi xào đĩa rau cần nữa là xong.”

Tôi nói: “Ừa ừa, okeoke.”

Cũng không biết nói gì tiếp, nên tôi tiện tay lấy chồng bát đũa chia ra cho mọi người.

Sau đó Z dẫn con về, thấy con đói nên Z nói: “Mình ăn trước đi mọi người.”

Sau đó thì mọi người động đũa ăn thật, nhưng tôi chưa gắp, tôi thấy chồng của Z còn trong bếp mà mình ăn trước thì không hay lắm, sau Z bảo tôi: “Ăn đi, sao mày không ăn vậy?”; J cũng nói thêm: “Ăn đi mày, đừng ngại.”

Tôi thấy mọi người cũng ăn rồi nên tôi cũng ăn một ít.

Nhưng mà ngay lúc này, chồng của Z bưng nồi canh gà đặt lên bàn xong, đang tính quay lại nhà bếp, J mới nói: “Anh ăn cơm đi anh, đừng làm nữa.”

Tôi nhắc J: “Còn rau cần chưa xào nữa á.”

Tôi nói vậy là do lúc chồng của Z nói thì J đang đi rửa tay nên không nghe thấy; tôi chỉ định nhắc J thôi; Với lại tôi nghĩ nếu chủ nhà định làm món rau cần xào thì chắc là có ai đó trên bàn thích ăn rau cần, chứ không phải là tôi muốn sai chủ nhà hay buộc người ta phải xào rau xong mới được ăn.

J nói: “Như này ăn no rồi, không cần xào nữa đâu anh, anh ngồi xuống ăn chung với mọi người đi.”

Chồng của Z cũng không xào nữa thật, ngồi xuống ăn cơm luôn.

Trong suốt bữa cơm, tôi cũng không có tâm trạng nên chẳng ăn được mấy miếng, về nhà tôi có gọi thêm đồ ăn ngoài nữa.

Sau này tôi nghe Z nói, chồng của Z bảo tôi là vô ý vô tứ, đến nhà làm khách cũng không biết bảo chủ nhà ngồi xuống ăn cơm chung. Tôi không hiểu, rõ ràng là anh ta bảo còn món rau cần nữa mà; tôi cũng không thể tự dưng bảo anh ta đừng nấu nữa mà đúng không, dù tôi không ăn, thì vẫn có người khác muốn ăn mà…

Đáp:

Thật trùng hợp, tôi là nam, hôm nay vợ tôi cũng mời hai cô bạn đến chơi. Để tôi thử đặt tôi vào vị trí của anh chồng xem sao.

Trong hai cô bạn đến chơi nhà, có một cô bạn rất thân với vợ, thân như Z thân với J vậy. Tại vì theo lời của bạn thì con của Z và J cũng là bạn của nhau thì tôi nghĩ, bình thường Z với J sẽ có trao đổi nhiều, nên đôi bên thân hơn cũng là điều dễ hiểu.

Một cô bạn khác thì không thân lắm, cũng giống như bạn với Z vậy; nếu bạn khá thân với vợ chồng Z, thì chắc hẳn đôi bên đã hiểu tính nhau, nhất định anh chồng sẽ không nói bạn như vậy.

Tôi thì nấu cơm trong bếp, cô bạn không thân lắm cũng đến trễ. Cô chủ động bảo để vào phòng bếp hỗ trợ; tôi biết là cô chỉ nói lời khách sáo thôi; bởi vì sẽ không có chủ nhà nào để khách xuống bếp nấu cơm cả.

Tôi cũng thuận theo lẽ thường, cười cười bảo không cần, để cô lên phòng khách ngồi. Trong khoảng thời gian đó cô làm gì ở trên phòng khách tôi cũng không rõ lắm. Tôi chỉ biết là, lúc tôi bưng món ăn để lên bàn, cô là người đầu tiên ngồi lên bàn cơm. Thấy thế, tôi cũng không thể im lặng bưng lên rồi bưng xuống được mà đúng không? Vậy là tôi phải nói ít câu, tôi bảo là: “Còn một canh một rau nữa là đủ món đấy.”

Ý của tôi lúc nói câu đấy là: “Khách đến chơi nhà đừng lo, cơm nước sắp xong rồi.”

Bởi vì tôi nghĩ, người ta đã ngồi đợi ở bàn ăn sẵn như vậy thì chắc là đói lắm rồi đây, phải vội về bếp nấu nhanh mới được.

Lúc tôi múc tô canh gà bưng ra, đặt xuống bàn thì thấy cô đã bắt đầu ăn chung với mọi người, nhưng ăn rất ít và rất chậm, trông cô không đói lắm, cũng giống như người ta hay nói là ăn cho có lệ ấy.

Tôi cảm thấy rất kỳ lạ, bởi vì cô là người đầu tiên ngồi lên bàn, tôi còn tưởng cô là kiểu người ăn như hổ đói vồ mồi, chỉ đợi mùi đồ ăn bay đến là hàm nhai hoạt động hết công suất cơ.

Nhưng tôi cũng không nói nhiều, chỉ đặt tô canh lên bàn; Ngay lúc này, cô bạn thân của vợ lại bảo tôi, đủ đồ ăn rồi, tôi không cần nấu nữa.

Tiếp đó, cô bạn ăn như mèo lại nói tiếp: “Còn một đĩa cần xào nữa.”

Ôi, lửa bốc khói bay đầy đầu tôi!

Cô không ăn bao nhiêu, lại còn ý bảo nhà tôi đãi khách không chu toàn?

Tôi trời sinh không được gì, chỉ được cái nổi loạn, thích làm trái ý người khác, cô muốn ăn cần xào à? Khỏi, khỏi có ai được ăn hết nhá!

Tôi cởi tạp dề bỏ lên ghế rồi ngồi xuống ăn ngon lành, cô muốn ăn cần xào à? Cô muốn ăn thì tự lăn vào bếp!

Trong suốt bữa ăn, tôi thấy cô cũng gắp được mấy đũa đâu, ăn mà mặt cứ chù ụ ra như ai ép uổng khổ ải lắm ấy! Đã thế, về nhà còn tự gọi đồ ăn ngoài? Thế này khác gì cô đang chê đồ ăn tôi nấu dở đâu?

Tiệc tàn, cô về trước, chúng tôi ở lại nói chuyện với nhau.

Có người nói: “Ui, cô ấy ăn ít thật, trước khi anh bưng tô canh ra, cô ấy còn chẳng ăn tý nào, hai chị em chúng em phải khuyên mấy lần, cô ấy mới chịu ăn đấy.”

Trời! Cô xem nhà tôi là quán cơm lề đường, chán không thèm ăn thật đấy à?

“Vợ, bạn em vô ý vô tứ thật đấy, đúng là chẳng ra làm sao!”

Phía trên là độc thoại nội tâm tôi suy ra từ góc nhìn của chồng Z theo như lời bạn kể, có thể sẽ khác, nhưng tôi nghĩ sẽ gần giống như vậy.

Chủ thớt đọc thì sẽ thấy, hiểu lầm của hai người bắt nguồn từ khoảng cách không gian trong cùng một khoảng thời gian.

Cô ở phòng khách, còn chồng Z lại cặm cụi trong phòng bếp.

Mà mỗi lần chồng Z ra đặt món lên bàn ăn cũng chỉ thấy hình ảnh: Cô ngồi ở bàn ăn đợi, nhưng chẳng gắp tý nào, lại còn đòi thêm rau cần.

Nếu mà mọi người đã ăn, nhưng bạn không ăn, chỉ tiếp chuyện với mọi người, có lẽ anh ta sẽ nghĩ bạn không ăn là do đang đợi món cần xào. Anh ta sẽ nghĩ ngay, qua nhà người ta chơi mà không biết “nhập gia tùy tục” là gì à? Cứ đòi mỗi món cần xào đấy thôi á?

Còn bạn, bạn nghĩ người khác đang nấu cơm, mà bạn ngồi đây ăn trước cũng thật kỳ, như vậy rất mất lịch sự.

Nhưng chồng Z lại nghĩ là: “Cái cô này gì cũng không ăn, chê cơm tôi nấu chứ gì.”

Sau bạn nói còn đĩa cần xào chưa làm, trong đầu bạn nghĩ: “Lỡ có người thích ăn cần xào mà nay không được ăn chắc buồn lắm.”

Nhưng chồng Z lại hiểu là: “Một bàn thịt, cá, tôm, gà thơm nức thì không chịu ăn, lại cứ đòi một đĩa cần xào tái xanh, cô đang kiếm chuyện với tôi đấy à?”

Nếu chỗ này chủ thớt đổi cách nói một chút, ví dụ như: “Lúc nãy anh nói còn thiếu 1 đĩa cần xào đó, chắc có ai thích rau cần mà đúng không, anh ngồi xuống ăn trước đi, bận cả buổi chiều rồi, để em vào xào cho; thỉnh thoảng em có ăn chay nên tay nghề cũng được lắm.”

Chủ thớt đừng độc thoại nội tâm nữa, cứ nói ra bằng lời, không cần biết đĩa cần xào có được lên bàn không, nhưng chắc chắn là không có hiểu lầm đôi bên rồi đấy.

Nếu bạn vẫn hay thắc mắc tại sao mọi người không hiểu cho ý tốt của mình thì đa số là do mình chưa kịp nói suy nghĩ và chủ đích của mình lúc đấy. Mình không nói, người khác không biết, cũng không thể gặng hỏi được, mà đối với những điều không biết, người ta thường sẽ suy bụng ta ra bụng người.

Cho nên, bạn không cần nghi ngờ nhân phẩm của mình, chỉ là do cách diễn đạt của bạn chưa ổn trong trường hợp này thôi; chỉ cần bạn nói rõ mục đích, suy nghĩ, sẽ không có hiểu lầm vô cớ như thế này nữa.

Và đương nhiên, nút thắt cuối cùng của câu chuyện này là sao chuyện chồng Z nói bạn vô ý vô tứ lại lọt vào tai bạn được?

Tôi nghĩ là qua chuyện này, bạn nên quan sát và suy nghĩ kỹ hơn về hội bạn kiềng 3 chân này, tôi thấy hơi khập khiễng.

You may also like

Leave a Comment