CÓ PHẢI TRÁI DỪA LÀ SẢN PHẨM GIÁ TRỊ DUY NHẤT CỦA CÂY DỪA?

by admin

Cây dừa được mệnh danh là cây của cuộc sống do tính chất đa dụng của nó, nếu bạn nghĩ người ta trồng dừa chỉ để thu trái thì chắc hẳn bạn đã lầm, vì tất cả các phần của cây dừa từ thân, lá, trái, vỏ, xơ, gáo, nước… đều có thể sử dụng phục vụ đời sống con người. Không ngoa nếu nói rằng ít có loại cây trồng nào có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm bằng cây dừa:

• Vỏ dừa, xơ dừa: Là phần vỏ ngoài của trái dừa, được vỏ dừa bao quanh. Xơ dừa được sử dụng làm chất đốt vì khả năng bắt lửa rất tốt và cháy rất bền. Xơ dừa còn là nguyên liệu để làm các mặt hàng gia dụng rất tốt: bàn chải, dây thừng, đệm, ruột gối hay thảm,..

• Gáo dừa: Là nguyên liệu chính của than hoạt tính gáo dừa, than gáo dừa, sản phẩm này được ứng dụng trong lĩnh vực khử mùi, hút ẩm, lọc nước,…Ngoài ra, nó còn được dùng làm gáo múc nước, bát ăn cơm và sản phẩm mỹ nghệ khác trong sinh hoạt hằng ngày

• Cơm dừa: Hay còn gọi là cùi dừa, là phần màu trắng bên trong được dùng chế biến thực phẩm, mang nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Với thành phần chính là dầu dừa chiếm tỉ lệ trên 40% trọng lượng tươi, dầu dừa là một nguyên liệu không thể thiếu cho các ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm,…

• Nước dừa: Loại đồ uống giải nhiệt, thải độc, giàu chất dinh dưỡng, giải khát vào mùa hè không cần phải bàn cãi

• Lá dừa: Nguyên liệu trong các vật dụng gia đình như thảm, chổi, giỏ,..Ngoài ra, ở vùng Tây Nam Bộ nước ta lá dừa còn được sử dụng nhiều để lợp nhà hoặc ken lại với nhau thành phên để dựng hai bên nhà thay cho tường

• Thân cây dừa: Phía trên ngọn nằm bên trong thân dừa là phần lõi màu trắng được gọi dân dã là củ hủ dừa, thường góp mặt trong các món ăn tuyệt ngon của người dân Nam Bộ. Thân cây dừa sau khi thu hoạch được làm cầu, chặn đê, kè mương, dựng nhà,…và các đồ mỹ nghệ trang trí khác

• Rễ cây dừa: Thậm chí đến rễ cây mà vẫn còn hữu dụng, rễ cây dừa là một nguyên liệu hữu ích trong việc làm thuốc nhuộm, sử dụng bằng cách đập dập rễ sau đó đun sôi để tạo màu. Ngoài ra rễ dừa còn được dùng làm thuốc trị các bệnh tiêu chảy và bệnh lỵ.

Không ai có thể phủ nhận được tính hữu dụng của giống dừa mang lại, nhưng xét về giá trị kinh tế – ngành trồng dừa nước ta thực sự vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế xứng đáng với giá trị thật của nó. Từ lâu, khi nói đến thu nhập của người dân trồng dừa, người ta sẽ chỉ nghĩ đến việc thu trái từ cây là chính. Giá bán 1 trái dừa đến tay người tiêu dùng chỉ từ 10.000 – 12.000 VNĐ/trái. Thậm chí, theo anh Phạm Đình Ngãi – CEO công ty Sokfarm chia sẻ tại 5W1H Podcast, đỉnh điểm năm 2018 thị trường dừa rớt giá thê thảm, giá bán tại vườn 1200 trái dừa chỉ được 2 triệu đồng, công sức người dân trồng dừa 5 năm mới thu hoạch giờ lại rơi vào tình thế “được mùa thì mất giá, mà được giá thì mất mùa…” Trong khi đó, ở các nước trong khu vực châu Á, người ta đã biết cách khai thác giá trị từ cây dừa nước để tạo ra các sản phẩm như: đường, giấm, rượu… Nhu cầu sử dụng và nhập khẩu đường tự nhiên từ dừa nước tại Mỹ và EU ngày càng tăng. Như vậy, chính đây sẽ là cơ hội và thách thức về bài toán về công nghệ chế biến, sản xuất sâu để nâng cao giá trị của ngành dừa của nước ta về sau.

Mở ra cho tương lai ngành dừa có thể kể đến nổi bật là mô hình phát triển sản phẩm từ mật hoa dừa của anh Đình Ngãi & chị Chal Thi – đôi vợ chồng trẻ Founder của công ty Sokfarm (Trà Vinh Farm). Từ một ngành nghề truyền thống lâu đời tưởng chừng đã biến mất, giờ đây bằng các kỹ thuật mát-xa hoa và thu mật truyền thống của người Khmer tại Trà Vinh, thu mật hoa dừa đã trở lại và thành một hướng đi mới trong ngành dừa, đánh dấu sự chuyển biến rõ ràng về nâng cao giá trị kinh tế cho giống cây này.

NGHỀ MẬT HOA DỪA ĐÃ MANG ĐẾN NHỮNG GÌ?

• Sản phẩm từ mật hoa dừa rất có lợi cho sức khỏe: mang hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu khoáng chất và chỉ số đường huyết thấp rất phù hợp với người ăn chay, ăn kiêng và trẻ nhỏ. Theo Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) năm 2013 cho rằng đường hoa dừa là chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới.

• Nâng cao giá trị kinh tế của ngành dừa Việt Nam: sản phẩm mật hoa dừa đã trở thành mặt hàng có giá trị cao, có mặt trong các siêu thị và xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới như Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Đức,…. với giá bán từ 35.000 VNĐ đến 2.500.000 VNĐ/sản phẩm

• Cải thiện kế sinh nhai cho nông hộ trồng dừa tại Trà Vinh: Tăng giá trị kinh tế cho nông hộ Trà Vinh từ 3-5 lần so với mô hình trồng dừa thu trái và tăng gấp 10 lần thu nhập cho người nông dân trồng dừa so với trước đây từ việc thu mật và bán cho nhà máy, ước tính lương của 1 người nông dân thu mật dừa sẽ dao động từ 15tr-25tr/tháng.

• Cân bằng lợi ích môi trường và định hướng phát triển bền vững: Dựa trên xu hướng tiêu dùng và tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, mô hình kinh doanh mật hoa dừa được nhận định sẽ trở thành một xu thế tất yếu của nền nông nghiệp trong tương lai. Bằng việc định hướng theo hữu cơ, sẽ không chỉ giúp bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức người lao động mà còn là cơ hội để bán tín chỉ Carbon – một tín hiệu đáng mừng cho mô hình kinh doanh bền vững vì môi trường.

Tại chương 5w1h Podcast, anh Phạm Đình Ngãi đã chia sẻ rằng: “SokFarm tự hào mình đang trả đúng giá trị mà đáng lý người nông dân đúng nghĩa phải được nhận do những công sức mà họ bỏ ra, tại vì làm nông rất cực….”

Đúng vậy, dù cho một đất nước có thay đổi cơ cấu kinh tế ra sao thì sản xuất vẫn luôn đóng vai trò là gốc rễ, trong đó nghề nông là một ngành nghề truyền thống, cao quý của nước ta, nhưng người người làm nông lại vất vả vô cùng. Hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều sự chuyển mình tươi sáng trong ngành dừa nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.

You may also like

Leave a Comment