THÁI GIÁM VÀ QUYỀN LỰC

by admin

Phạm Bá Thủy

Xin nói ngay: thái giám không phải là đặc sản độc quyền của chế độ phong kiến Trung Hoa. Thái giám (hay còn gọi hoạn quan) là danh xưng ngày xưa dùng để gọi những người đàn ông bị thiến hoàn toàn hoặc một phần, chủ yếu được sử dụng để hầu hạ, phục vụ và bảo vệ hậu cung thê thiếp của vua chúa ở các nước phương đông. Nhưng có những trường hợp hoạn quan đã làm nên sự nghiệp lớn và đạt đến đỉnh cao quyền lực.

ASYRIA VÀ BA TƯ

Chính tại Assyria (vương quốc cổ đại thuộc nền văn minh Lưỡng Hà), khái niệm hoạn quan lần đầu tiên xuất hiện. Họ phục vụ trong cung điện và trong đội cận vệ hoàng gia. Ban đầu họ chủ yếu phục dịch đám thê thiếp của vua chúa, và xin nói rõ ngay: do đặc thù công việc luôn gần gũi với phụ nữ, họ bị thiến để không thể “cắm sừng” ông chủ của minh. Nhưng từ thế kỷ 19 trước Công nguyên, các nhà cai trị Assyria đã bắt đầu bổ nhiệm hoạn quan làm thống đốc ở các vùng đất mới bị thôn tính. Có những lý do hợp lý cho điều này: không cần phải lo sợ rằng thống đốc muốn giành quyền tự chủ để thiết lập triều đại của riêng mình – suy cho cùng, hoạn quan không thể có con nối dõi.

Những tính toán và thực hành nói trên từ người Assyria dần dần cũng được người Ba Tư và các dân tộc Trung Đông khác áp dụng. Chẳng hạn, thái giám Bagoas đã trở thành nhân vật thân tín nhất của vua Ba Tư Artaxerxes III Ochus. Vào năm 350 trước Công nguyên, nhà vua giao cho Bagoas quyền chỉ huy một phần quân đội của mình được cử đi chống lại Ai Cập. Sau khi Bagoas hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ảnh hưởng của ông tại triều đình ngày càng lớn,đến mức nhà vua đã không thểđưa ra quyết định bang giao nào mà không có lời khuyên của ông. Nhưng đến khi nhà vua trở nên không được lòng dân, Bagoas đã lập mưu với quan ngự y đánh thuốc độc giết chết Artaxerxes và dựng hoàng tử Asses lên ngôi. Tuy nhiên, ngay sau đó, do lo sợ bị vị tân vương trả thù mối thù giết cha, Bagoas đã giết chết vua Asses cùng tất cả những hoàng tử, công chúa nhỏ tuổi, và phong Darius III, một đại diện nhánh dưới của hoàng gia, làm vua. Khi mâu thuẫn nảy sinh giữa 2 người, Bagoas đã cố gắng loại bỏ tân vương Darius III. Nhưng âm mưu bị phát hiện, Bagoas phải uống thuốc độc tự tử …

LA MÃ VÀ BYZANTIUM

Vào thế kỷ thứ 4, ở La Mã dưới thời trị vì của hoàng đế Diocletianus, các hoạn quan nhờ sự gần gũi với hoàng đế mà họ phục vụ, đã có được địa vị của những sủng thần được đặc biệt tin cậy. Đôi khi họ cũng tham gia vào việc thực hiện các chức năng của chính quyền.

Ở Byzantium (vương quốc Đông La Mã), các hoạn quan cũng tích cực tham gia vào các công việc nhà nước. Chẳng hạn, sủng thần của hoàng đế Arcadius là hoạn quan Eutropius vào năm 398 đã lãnh đạo thành công một chiến dịch quân sự chống lại người Huns nênvào năm 399 được bổ nhiệm làm toàn quyền, và cũng nhận được danh hiệu “Người yêu nước”. Tuy nhiên, cuối cùng, do một số âm mưu phản nghịch, ông ta bị thất sủng và banđầu bị đày đến đảo Síp, sau đó bị hành quyết ở Constantinople.

Cũng ở Đông La Mã, Narses, một người gốc Armenia, vào thế kỷ thứ 6, từ một nô lệ trở thành một chỉ huy lừng danh dưới thời Hoàng đế Justinian I. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là đội trưởng cận vệ, sau đó giữ các chức vụ giám sát kho lưu trữ, thủ quỹ và cuối cùng là cố vấn thứ nhất của hoàng đế. Ở tuổi 74, ông đã chỉ huy một chiến dịch quân sự chống lại người Ostrogoth, trong đó người Byzantine đã giành được chiến thắng rực rỡ. Nhờ đó, ông nhận được sự ưu ái của chính Giáo hoàng John III. Sau khi qua đời ở tuổi 95, ông được chôn cất trong danh dự tại Constantinople theo lệnh của Hoàng đế Justin II. Ông đã để lại tất cả tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện.

Đế chế Ottoman

Những chú bé nô lệ được đưa đến cung điện của Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ ở Constantinople (Istanbul ngày nay): người da trắng từ bán đảo Balkan, người da đen từ châu Phi (ông cố của đại thi hào Nga A. C. Pushkin cũng nằm trong số này, được ngài đại sứ Nga bỏ tiền ra chuộc, mang về tặng Pi-e đại đế làm người hầu, nhưng được đại đế nhận làm con nuôi). Phần lớn các chú bé nô lệ bị thiến và được làm giám thị phục vụ hậu cung. Có các chức vụ chính thức cho các hoạn quan da trắng và da đen. Viên tổng thái giám (kizlyar-aga) là người có uy rất lớn trong triều đình. Thông thường, tổng thái giám nắm trong tay một mạng lưới mật vụ chỉ điểm rộng lớn, đó là những người thông báo cho ông ta về mọi thứ đang xảy ra trong hậu cung và trong cung; số phận của không chỉ hoàng hậu và thê thiếp của quốc vương, mà ngay cả các quý tộc cũng có thể phụ thuộc vào ông ta. Người ta thường lén thì thầm với nhau câu: “Đừng để Allah bất bình với Kizlyar Aga!”.

TRUNG HOA

Trong Đế chế Trung Hoa, hoạn quan không chỉ phục vụ trong hậu cung mà còn được sử dụng để đảm nhiệm các công việc hành chính và kinh tế quan trọng. Một số người trong số họ thậm chí còn trở thành nhiếp chính dưới thời các hoàng đế vị thành niên. Một trong những hoạn quan nổi tiếng của Trung Quốc đời nhà Đường là Cao Lực Sĩ (684-762), vốn tên lúc nhỏ là Phùng Nguyên Nhất. Do người cha phạm trọng tội, cả gia tộc họ Phùng bị sung làm nô bộc, tì thiếp, Nguyên Nhất 16 tuổi bị thiến đưa vào cung hầu hạ Võ Tắc Thiên, chỉ vì một lỗi nhỏ mà bị đưa ra khỏi cung cấm, rồi được hoạn quan Cao Diên Phúc nhận làm con nuôi, đổi sang họ Cao. Do có thân hình cao lớn, lực lưỡng hơn người nên được gọi Cao Lực Sĩ, lâu ngày thành tên chính thức. Về sau Cao Lực Sĩ được chọn hầu hạ thái tử Lý Long Cơ. Sau khi Lý Long cơ lên ngôi (đế hiệu Đường Huyền Tông), Cao Lực Sĩ trở thành cố vấn đắc lực và hiệu quả của hoàng đế trong tất cả mọi mặt, từ bổ dụng nhân sự trong triều, chính sách nội trị kinh tế xã hội cho đến quan hệ bang giao…

Môt họan quan nổi tiếng khác là Đô đốc Trịnh Hòa (1371-1435), người đã chỉ huy 7 cuộc viễn chinh thương mại-quân sự lớn của thủy binh triều đình mà các đời vua nhà Minh cử đến các nước Đông Nam Á, Hindustan, Bán đảo Ả Rập và Đông Phi.

Trịnh Hòa (nhũ danh Mã Hòa) xuất thân từ cái gọi là samu – những người ở vùng Tây Vực (các nước Trung Á ngày nay) bị vó ngựa của người Mông Cổ xua đuổi đến Trung Quốc trong thời kỳ cai trị của nhà Nguyên. Trong một lần quân Minh chinh phạt Vân Nam, cha của cậu bé Mã Hòa qua đời, bản thân cậu bị bắt làm tù binh rồitrở thành hoạn quan trong triều đình của Hoàng đế Chu Đệ (Minh Thành Tổ) và đổi sang họ Trịnh. Ở đó, Trịnh Hòa đã giành được vị trí Tổng thái giám. Sau đó, chính hoàng đế đã đặt ông vào vị trí đứng đầu hạm đội, trang bị cho các chuyến thám hiểm đến các xứ sở xa xôi. Trịnh Hòa được coi là anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Các nhà thiên văn học quốc tế đã lấy tên ông để đặt cho ngọn núi cao nhất trên hành tinh Pluto (sao Diêm vương) của Hệ Mặt trời.

NB PHẠM BÁ THỦY

You may also like

Leave a Comment