Elie Wiesel – Đêm

by admin

Ở Birkenau, Elie và cha Elie Wiesel sinh năm 1928 ở Sighet, một trong những thành phố có cộng đồng người Do Thái đông đúc của châu Âu, trong thế chiến thứ hai thuộc về vương quốc Hungary. Xuân năm 1944, Đức quốc xã chiếm đóng Hungary, và nạn diệt chủng Holocaust cuối cùng cũng đã gọi tên những người Do Thái nơi đây. Sau những ngày dài bị dồn vào biệt khu, họ bị tống lên những chiếc tàu hứa hẹn chuyến hành trình gian khổ chuyển từ trại tập trung này đến trại tập trung khác, trước khi dừng chân ở “địa ngục trần gian” Auschwitz.
mình bị tách khỏi mẹ và em gái, và cũng từ khi đó không bao giờ còn gặp lại họ nữa. Vượt qua nhiều lần “tuyển chọn”, hai người là thiểu số chưa đến 10% còn sống sót cho đến những ngày cuối cùng của Auschwitz. Tuy nhiên trước ngày giải phóng không lâu, cha của Elie đã chết trong đau đớn, để lại trong lòng ông nhiều hối hận vì sự bất lực không đứng ra bảo vệ được cha.
“Đêm cuối cùng ở trại Buna. Lại một lần nữa, cái đêm cuối cùng. Đêm cuối cùng ở nhà, đêm cuối cùng ở biệt khu, đêm cuối cùng trên toa tàu và giờ đây, đêm cuối cùng ở trại Buna. Còn bao lâu nữa cuộc đời chúng tôi lê lết hết “đêm cuối cùng” này sang “đêm cuối cùng” khác.”
Sống sót qua những đêm trường chưa một lần được quên mùi đói khát, chật chội, bẩn thỉu, Elie Wiesel lần nữa làm sống lại những ký ức kinh hoàng nhất ấy, để mang đến bộ ba tác phẩm hồi ký Đêm – Bình minh – Ngày. Và trong số đó, Elie Wiesel đã luôn khẳng định vai trò và vị trị quan trọng nhất của Đêm – vì nếu không có sự ra đời của cuốn sách thì những tác phẩm sau đã không thành hình.
Elie Wiesel từng nói, và đề cập cả trong lời đề tựa của Đêm trong lần tái bản này, rằng ông được giữ lại thế giới này chính là để kể lại sự thật, vạch trần những tội ác man rợ khủng khiếp mà nhiều người vẫn hoài nghi liệu nó còn có thể diễn ra ở thế kỷ 20. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh chiến tranh, không những thơ mộng tình yêu và cái đẹp giữa đạn bom giết chóc, không lý tưởng hóa chính nghĩa. Không có những hình ảnh quả cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh, bởi đến cả quyền và cơ hội đấu tranh cho dân tộc mình họ cũng đã không có. Đơn giản, trong những tháng ngày tăm tối đó, người Do Thái đã bị đẩy đến giới hạn sống cùng cực nhất, để rồi từng chút từng chút một, bị tước đi niềm tin, hy vọng, bị tước đi cả nhân tính, tình người.

You may also like

Leave a Comment